“Phi chính trị hóa" có làm tăng thêm sức mạnh của quân đội trong phòng chống thiên tai? - Bài 2: Thực trạng thiên tai và vai trò nòng cốt khắc phục hậu quả của quân đội

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 1 triệu km2 mặt nước biển cùng 3.260km đường bờ biển và hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã mang lại cho nước ta tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội to lớn. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, nhiều năm lại đây Việt Nam bị hậu quả rất nặng nề. Trước tình hình ấy, quân đội và lực lượng vũ trang đã “lĩnh ấn tiên phong”, trở thành lực lượng đi đầu trong lĩnh vực này. Vậy, nếu “phi chính trị hóa” quân đội có giải quyết được bài toán từ thách thức an ninh phi truyền thống này hay không?

Thiên tai, kẻ thù mới đối với quân đội ta

Trong nhiều năm gần đây, thiên tai và những hệ lụy từ biến đổi khí hậu là một trong những thách thức rất lớn nhất đối với Việt Nam và trở thành một loại kẻ thù rất đáng gờm, gây ra thiệt hại rất lớn về người, cơ sở hạ tầng và kinh tế. Các hình thức thiên tai: Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn gây lũ lụt, triều cường, nước biển dâng, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, lốc xoáy, cháy rừng, lũ quét, sạt lở đất... diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, khó lường đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, đưa Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ga Ry (Bộ đội Biên phòng Quảng Nam) giúp nhân dân huyện Tây Giang dựng lại nhà sau bão số 9 (Ảnh: TTXVN)

Năm 2020 là đỉnh điểm của thiên tai ở Việt Nam. Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, năm 2020 nước ta xảy ra 16 loại hình thiên tai, đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến 22-10 tại khu vực miền Trung và hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ trong 2 tháng cuối năm 2020, khu vực duyên hải miền Trung bị 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 cơn áp thấp nhiệt đới “đánh phá”. Trong đó, cơn siêu bão số 9 gió cấp 14, giật cấp 17 với thời gian lưu gió mạnh 6-7 giờ, mạnh nhất trong 20 năm đổ bộ trùng triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề. Cơn bão khiến 16 tuyến sông chính khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên lũ đã vượt báo động 3, trong đó có 6 tuyến sông lũ đã vượt mức nước lũ lịch sử là sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên Huế); sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Bến Hải (tỉnh Quảng Trị) và sông Kiến Giang, sông Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình). Mưa lớn, lũ từ thượng nguồn đổ về khiến khả năng tiêu thoát lũ không kịp dẫn đến ngập lụt trên diện rộng tại 7 tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Nam kéo dài kỷ lục, nhiều nơi ngập tới 15 ngày. Cao điểm là vào ngày 12 và 19-10 có hơn 317 nghìn hộ (1,2 triệu nhân khẩu) phải chịu cảnh ngập lụt. Trong đó tỉnh Quảng Bình bị ngập gần như toàn bộ trong 3 ngày, có nơi ngập hơn 5m.

Do mưa đặc biệt lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét ở nhiều nơi. Các vụ sạt lở đất tại Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; xã Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân, cán bộ, chiến sĩ và phá hủy nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 4-12-2020, thiên tai đã khiến 356 người chết, mất tích (291 người chết, 64 người mất tích) và 876 người bị thương; 3.427 nhà bị sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; 511.172 lượt nhà bị ngập; 198.374ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 51.923 gia súc và 4,11 triệu gia cầm chết, bị lũ cuốn trôi; 787km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 272,5km bờ biển, sông bị sạt lở; 1.190km đường giao thông bị hư hỏng... Thiệt hại ước tính hơn 35.181 tỉ đồng.

Quân đội phòng, chống thiên tai là không thể thay thế

Vai trò của quân đội trong tham gia phòng, chống thiên tai đã được khẳng định trong lịch sử không chỉ bằng lý luận mà còn bằng thực tiễn.

Sinh thời, ngay từ khi còn hoạt động ở nước ngoài tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Những kẻ “khai hóa văn minh” không quan tâm phòng, chống thiên tai, khiến cho thiên tai cùng với ách thống trị của chúng đã là những nguyên nhân quan trọng, gây ra nạn đói và cảnh khốn cùng cho người dân thuộc địa, đẩy cuộc sống của “những kẻ nô lệ” rơi vào cảnh khốn cùng. Sau khi thành lập nước (9-1945), Người đã đề ra các biện pháp cấp thiết củng cố hệ thống đê điều, phòng, chống lũ, lụt. Quan điểm trong phòng, chống thiên tai của Người là động viên mọi lực lượng, phương tiện tham gia, trong đó Người xác định: “Bộ đội phải tranh thủ thời gian giúp đỡ nhân dân”(1). Ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70/SL, thành lập tại Bắc Bộ “Ủy ban Trung ương hộ đê có nhiệm vụ nghiên cứu, đề nghị mọi kế hoạch chống nạn lụt và kiểm soát việc bảo vệ đê điều”. Trong bài viết “Thư gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ về việc phòng và chống lụt, bão” (10-6-1957), Người nhắc nhở, động viên nhân dân, bộ đội cả nước ra sức củng cố hệ thống đê điều, giảm tác hại, hậu quả thiên tai. Ngày 19-11-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 102/LCT, tặng 4 Huân chương Lao động hạng Ba cho nhân dân, cán bộ và lực lượng vũ trang tại các tỉnh Nghệ An, Nam Hà, Hà Tây và Thái Bình vì đã có nhiều thành tích trong công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ đê điều và các công trình thuỷ lợi trong năm 1966.

Các lực lượng cứu hộ của Quân khu 5 tích cực tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Trà Lèng, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: TTXVN)

Thực tế thì, ngay trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù chiến tranh khốc liệt, nhưng trước cơn đại hồng thủy lịch sử năm 1971 ở miền Bắc, các cơ quan, đơn vị quân đội đã cử lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả. Gần đây nhất, theo thống kê của Cục Tìn kiếm cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), ở giai đoạn từ năm 2004 đến 2014, toàn quân đã huy động 754.370 lượt bộ đội, 1.161.246 lượt dân quân tự vệ; 80.428 lượt phương tiện các loại tham gia phòng, chống, ứng cứu, khắc phục hậu quả 35.073 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố; kêu gọi, hướng dẫn 3.399.606 lượt tàu thuyền tránh, trú bão; sơ tán, di dời 17.332.344 lượt người từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; cứu được 33.655 người, 4.088 phương tiện, trong đó có 343 vụ/5.380 người và 494 phương tiện có yếu tố nước ngoài. Trên mặt trận ứng phó thiên tai, sự cố và cứu hộ, cứu nạn, từ năm 2007 đến năm 2013 đã có 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Với tầm nhìn chiến lược, trước những thách thức của an ninh phi truyền thống, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của thiên tai, năm 2013, Nhà nước ta đã ban hành Luật Phòng, chống thiên tai. Theo thời gian, các văn bản dưới luật về lĩnh vực này được bổ sung, hoàn thiện, trong đó vai trò của quân đội trong lĩnh vực này được khẳng định.

Mục 2 và 3 trong Điều 6 của Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 quy định nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai như sau: (2) Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án phòng, chống thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền. (3) Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền.

Để cụ thể hóa công việc phòng, chống thiên tai, ở Mục 4, Điều 42, Luật Phòng, chống thiên tai quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm: a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng với các cơ quan, tổ chức khác trong phòng, chống thiên tai; b) Lập quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; c) Lập phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia hộ đê, hộ đập, phân lũ, làm chậm lũ, tìm kiếm cứu nạn; d) Tổ chức thu thập thông tin có liên quan đến thiên tai, chỉ đạo thực hiện ứng cứu, xử lý các tình huống khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai; đ) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.

Cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk sơ tán người dân xã Đăk Liêng tới nơi trú ẩn an toàn

Vào năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1041/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đến năm 2020. Theo quyết định này, Bộ Quốc phòng có các đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Cục Cứu hộ – Cứu nạn (Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn); Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không; Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường biển; Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc; Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung; Trung tâm Quốc gia huấn luyện, ứng phó rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân; Cơ sở huấn luyện chó tìm kiếm cứu nạn. Đây được xem là những đơn vị nòng cốt góp phần quan trọng trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Thực tế cho thấy, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương xây dựng các kịch bản ứng phó với thiên tai, trong đó quân đội được xem là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Điều này đã được ghi nhận, đánh giá từ nhiều năm nay, đặc biệt trong năm 2020.

Theo đó, tất cả các cơ quan, đơn vị quân đội đều chủ động quán triệt và thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” để đối phó với thiên tai. Chỉ tính hơn hai tháng cuối năm 2020, quân đội đã huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và hàng nghìn phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân; hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho 348.720 nghìn lượt phương tiện và trên 1.672.373 nghìn lao động, 186 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ an toàn các khu dân cư, khu công nghiệp, nhà cao tầng, công trình đang thi công; tổ chức sơ tán trên 282.547 hộ với 994.859 nhân khẩu đế nơi an toàn.

Đánh giá chung về sự xung kích của quân đội trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tối 19-12-2021, trong chương trình "Nghĩa tình quân dân"-chương trình giao lưu nghệ thuật, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong phòng, chống dịch COVID-19 do Quân ủy Trung ương và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu và nhấn mạnh: Trong thời bình, những người con của nhân dân mang sứ mệnh màu xanh áo lính đã được dân tin yêu, giúp đỡ huấn luyện, tham gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bình yên của Tổ quốc. Những người lính ấy đã sống trong lòng nhân dân, giúp đỡ nhân dân cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, dịch họa, cứu hộ, cứu nạn... Trong hành trình ấy, đã có những người lính ngã xuống vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Ngày 22-3-2020, khi đến thăm, kiểm tra, làm việc trực tuyến với 50 điểm cầu phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Quân đội luôn là trụ cột của quốc gia, đất nước, đặc biệt là khi đất nước lâm nguy, giặc giã, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm thì vai trò nòng cốt, “đứng mũi chịu sào” của quân đội càng được thể hiện rõ hơn và phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Trong lần thăm Trường bắn Quốc gia Khu vực 1 vào ngày 19-11-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Quân đội luôn là lực lượng đi đầu, nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.

Suốt chặng đường lịch sử 77 năm đã qua, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn "Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Đồng thời, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn có mặt kịp thời ở những nơi khó khăn gian khổ, kề vai sát cánh giúp đỡ nhân dân trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong thời kỳ mới. Đó là giá trị không thể phủ nhận.

 

Chú giải: (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.8, tr.398

QUANG MINH - MẠNH THẮNG